Đẹp bao nhiêu là đủ?

Hôm nay mình không thấy vui, sau khi nhận được tin là mẹ lại tiếp tục đi phẫu thuật thẩm mĩ. Ban đầu định viết lên Facebook xong nghĩ thôi lại mất công động chạm người này người kia nên quyết định xoá bài trên Facebook và để dành ghi lại trên blog để có thể mình tự ngẫm nghĩ được sâu hơn.

Mình luôn yêu mẹ nhưng thực sự thấy hai mẹ con có rất nhiều bất đồng trong suy nghĩ, ngay cả việc nên nuôi dạy con như thế nào là phù hợp. Mặc dù mình chưa lập gia đình và cũng chưa có con, nhưng ngay từ khi biết suy nghĩ, mình đã luôn tin rằng nếu có con mình sẽ nuôi con theo cách khác. Đành rằng việc làm đẹp là nhu cầu của mỗi người và mặt ai thì người đấy đẹp và chỉ cần mình thấy mình đẹp là được. Chưa kể quyền được quyết định sẽ làm gì với cơ thể mình thì về bản chất vẫn là của mình.

Nhưng nếu một khi đã kết hôn với người khác thì sao nhỉ? Cứ cho là cơ thể vẫn là của mình nhưng việc làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người xung quanh và đặc biệt là cho chồng mình thì có đáng bị lên án? Thế nào mới là đẹp và đẹp thế nào mới là đủ?

Đợt gần đây mình có dịp gặp lại hoặc kết nối lại những người bạn mà lâu rồi chưa có cơ hội gặp. Khoảng 3-4 người gì đấy, và mọi người hay nói là: “Chị thấy em vẫn thế, tính cách của em lúc nào cũng thế từ ngày đầu tiên chị quen mày”; “Tớ thấy cậu giống hệt hồi 5 năm về trước bọn mình gặp nhau, mà nói chuyện với khách hàng cậu cũng nói kiểu này à?”. Một người khác thì luôn chắc rằng mình lúc nào cũng là nàng thơ của cậu ấy.

Mình vẫn đùa mấy mấy người này là nói rằng họ thật kỳ lạ, rõ ràng là mình thấy mình xinh đẹp hơn hẳn mà cứ kêu là nhìn vẫn thế là như nào. Thực ra từ nhỏ cũng do mẹ thường mang mình ra so sánh với những người khác và thường chỉ ra về những điểm không hoàn hảo trên cơ thể mình nên mình đã lớn lên và nghĩ rằng mình là một con vịt xấu xí.

Khi bước vào cấp 2, mình đã bắt đầu tự nhận thấy bản thân mình không hề xấu như mình nghĩ, mấy người còn bắt đầu “khen” theo kiểu thích phong cách của mình (đến giờ còn chẳng hiểu nó là phong cách gì). Một số người thì nói rằng: “Cậu không phải người đẹp nhưng rất có duyên”. Có người anh của mình nói rằng: “Em thật sự không quá xinh đẹp nhưng nếu bước vào một căn phòng có nhiều đứa con gái khác, em sẽ vẫn được chú ý”.

Khi bước vào cấp 2, mình đã bắt đầu tự nhận thấy bản thân mình không hề xấu như mình nghĩ, mấy người còn bắt đầu “khen” theo kiểu thích phong cách của mình (đến giờ còn chẳng hiểu nó là phong cách gì). Một số người thì nói rằng: “Cậu không phải người đẹp nhưng rất có duyên”. Có người anh của mình nói rằng: “Em thật sự không quá xinh đẹp nhưng nếu bước vào một căn phòng có nhiều đứa con gái khác, em sẽ vẫn được chú ý”.

Và nếu chẳng may bị chê “xấu” theo kiểu không biết đùa hay thật, yêu hay ghét, thì mình cũng nhẹ nhàng trả lời theo kiểu vô thưởng vô phạt là: Thực ra ý, để tìm một đứa đủ xấu và kém cỏi như mình chắc cũng không dễ lắm đâu, nếu có thể tìm được một người thứ hai như mình và mang đến đây, mọi người nói gì mình cũng nghe. Mình cũng đã nói câu này, chỉ đổi lại cách xưng hô khi nói với mẹ, vì mẹ luôn có cách chê để con gái tự thấy mình xấu xí, kém cỏi để còn phấn đấu. Chỉ có điều, mình không mấy quan tâm đến những điều mẹ nói về sự không hoàn hảo của mình nữa, có thể là trước đây thì có, nhưng bây giờ thì hoàn toàn không.

Mình nói như vậy không phải để kiêu hay tự mãn gì cả, mà chỉ đơn thuần nghĩ là mỗi người sinh ra đều mang cho mình một sứ mệnh nào đấy và ai cũng là một phiên bản độc nhất. Và khi đã là một phiên bản độc nhất rồi thì tại sao lại phải cố gắng để biến thành người khác? Nếu may mắn thì sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, một vẻ ngoài dễ thương và thậm chí là một bộ não siêu việt, nhưng về bản chất thì ai cũng có thế mạnh riêng. Có những người sẽ còn may mắn hơn khi sớm nhận ra giá trị của bản thân mình từ khi còn trẻ, để đỡ mất công phải so sánh mình với những người khác, để biết tôn trọng những cái gì là vẻ đẹp của tự nhiên. Với vẻ đẹp hình thức bên ngoài sẽ chỉ can thiệp vào vẻ đẹp này khi thật sự cần thiết và thay vào đó thì dành thời gian đầu tư để phát triển bản thân.

Có những điều mà chắc khoa học cũng chẳng chứng minh được, là có những người sinh ra đã có nhiều may mắn hơn những người khác, có gương mặt khả ái hơn, giọng nói thuyết phục hơn và được nhiều người yêu quý hơn. Người ta cũng chẳng cần ép bản thân vào một khuôn khổ rèn luyện và gìn giữ sắc đẹp nào cả nhưng vẫn đẹp hoặc chí ít cũng tạo được một sự cuốn hút nhất định, vì cái quan trọng không nằm ở việc mình có đẹp theo tiêu chuẩn nào đó hay không, mà quan trọng là ở thần thái, và thần thái thì xuất phát ở sự hiểu biết, hiểu mình và hiểu người.

Mình mong có thể nói được những điều này với mẹ, rằng mẹ không cần phải làm gì để đẹp hơn nữa. Ở tuổi của mẹ, việc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp là cần thiết nhưng vẫn nên để mọi thứ tự nhiên vì dù có can thiệp cũng muộn rồi. Và bây giờ dù mình có nói gì cũng muộn, còn bố thì rất buồn. Và mình cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để mẹ không bị tổn thương.

Cũng không hiểu ai cho mình cái tự tin để nói mấy câu này, nhưng có lẽ vì mình tự thấy mình đẹp nên mình tự cho mình cái quyền, vậy đó. Một khi bạn đã nhận ra bản chất của vấn đề, các yếu tố cần và đủ cho cuộc sống của bạn thì những định nghĩa hoặc khuôn khổ của một sự chuẩn mực nào đấy cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa. Thôi thì kệ, cuộc sống mà toàn đứa như mình thì không có lợi cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Thôi có người này thì sẽ có người kia vậy, giống cậu em mình hay nói là, chị ơi, “Cuộc sống mà” 😊

Nhưng giả sử, nếu mình dành nhiều thời gian hơn để trò truyện với mẹ, liệu mẹ có nghĩ khác đi?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s