Theo dấu vàng son

Mấy ngày hôm nay, giống như có nhiều những mối lương duyên lớn nhỏ gộp lại, có rất nhiều người đang cùng có mặt ở Sài Gòn cùng một thời điểm, cũng vì thế mà kéo theo những buổi gặp gỡ. Cả ba tối liên tiếp chẳng có hôm nào về nhà trước 12h đêm, kể ra cũng có cái hay, thêm một lần nữa, khi vẫn đang được sống một mình và sống “tự do” trong chính khuôn khổ mà mình tạo ra. Tháng tới sẽ về Hà Nội hơn 1 tuần nhưng kiểu gì cũng sẽ phải về nhà trước 12h vì nếu không mẹ sẽ gọi điện cho liên hồi cho đến khi nhìn thấy con gái về nhà an toàn.

Năm nay tôi tự thấy mình có thật nhiều may mắn được tham gia và góp mặt nhiều hơn vào những sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Không phải là cái gì lớn lao, chỉ là có may mắn được là một người có cơ hội chứng kiến và thưởng thức những gì mà mình cho là rất có giá trị.

Ngày hôm qua, nhờ có đối tác cũng đồng thời là một người bạn thân thiết, tôi đã có cơ hội được tham dự một đêm nhạc vô cùng chất lượng của chị Thu Phương. Bản thân tôi bắt đầu biết về ca sĩ Thu Phương chắc là từ khi học lớp 2 hay lớp 3, hồi đấy thì chưa biết thưởng thức nhạc của chị một cách trọn vẹn, và so với các anh chị ca sĩ nổi tiếng thời đấy thì có lẽ mình cũng không quá là hâm mộ chị, vì có hiểu gì đâu mà hâm mộ. Chẳng hiểu sao từ bé mà tôi cứ hay đi nghe nhạc người lớn. Hồi đấy nếu là Thu Phương hát thì mình thích bài: Thôi Anh Hãy Về, song ca cùng Lam Trường. “Thôi anh hãy về, cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua…”. Khi lớn lên rồi, mình rất thích bài “Đêm nằm mơ phố” và thêm một chút nữa thì mới cảm được bài “Dòng sông lơ đãng”. Còn những bài hát như “Có phải em là mùa thu Hà Nội” hay rất nhiều những bài hát tên tuổi khác nữa.

Rồi bỗng một ngày, dưới sự quan sát và ý thức hạn hẹp nhưng không-hiểu-gì-để-phán-xét của một đứa trẻ khoảng chừng 11 hay 12 tuổi, tôi đọc một bài báo về việc ca sĩ Thu Phương và ca sĩ Bằng Kiều đã “rời bỏ” quê hương để theo đuổi giấc mơ Mỹ cùng những rắc rối khác về đời tư và vấn đề chính trị. Sau một thập kỉ trôi qua, chúng tôi lại được thấy họ lần lượt về Việt Nam, với một hình ảnh khác và một tâm thế khác, duy chỉ có giọng hát, có thể đã có thêm nhiều phần sương gió, nhưng chưa bao giờ hết đẹp và chưa bao giờ hết đẳng cấp.

“Không hiểu sao mình cứ thích nghĩ là các nhạc sĩ viết bài hát này riêng cho mình” – hôm qua Thu Phương có nói như vậy khi đang hát ở phòng trà Đồng Dao, một chương trình khá là chất lượng về nội dung theo một chủ đề có tên là: “Theo dấu vàng son”. Thực ra, việc người ta hay tìm thấy bản thân trong các nhân vật trong phim hay âm nhạc cũng là lẽ thường. Với tôi thì đây là một cách để thấy cuộc đời có thêm chất nhạc và chất thơ. Nhưng mà thật ra thì với một nghệ sĩ như Thu Phương, hay những nghệ sĩ lớn khác, việc họ có những bài hát gắn bó với tên tuổi, hay đúng như các cách nghệ sĩ nói, đây là bài hát viết về cuộc đời tôi thì cũng không có gì là lạ cả.

Có rất nhiều những bài hát nổi tiếng được thể hiện bởi Thu Phương, nhưng những sáng tác của nhạc sĩ Việt Anh luôn chiếm một vị trí rất quan trọng. Tôi có được nghe kể lại là những sáng tác của nhạc sĩ Việt Anh, đã theo Thu Phương trong suốt hơn hai chục năm hoạt động nghệ thuật, bắt đầu với “Dòng sông lơ đãng”. Mình không phải nhà phê bình âm nhạc, nhưng tự cảm nhận được rằng, các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Anh đều quá đẹp, về ý nghĩa, về nội dung và vần điệu, đến mức mà mình luôn nghĩ rằng, các ca sĩ, phải may mắn lắm mới được Việt Anh viết tặng.

“Từng ngón tay, khép như nụ hoa trắng . Bỏ lại dòng sông lơ đãng trôi qua”.

“Từ chốn nào, dòng sông đã hòa cùng đại dương. Cạn bến bờ, chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn”.

“Như chưa bắt đầu”

Sau nhiều năm, theo cách chị nói là dòng sông đã trải qua quá nhiều mùa lũ, dòng sông của Thu Phương, theo cách miêu tả của nhạc sĩ Việt Anh, đã không còn lơ đãng nữa. Một vài năm về trước, Thu Phương đã từng hỏi Việt Anh rằng, chị không biết quyết định mình rời bỏ quê hương sang Mỹ có phải là quyết định đúng, và chính lúc này, anh Việt Anh đã viết tặng chị Thu Phương một ca khúc khác là “Chưa bao giờ” để trả lời câu hỏi của Thu Phương. Khi biết đến ca khúc này, mình đã không biết là ca khúc được viết cho Thu Phương. Và bản thân cũng không hẳn là một người phải trải qua những biến có gì quá to tát trong cuộc đời, nhưng mình tự thấy rằng, đây là một trong những ca khúc mà mình thấy dễ gây ám ảnh nhất trong những năm trở lại đây, với những câu từ như: “Có bình yên nào không xót xa” hay “Đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi. Thiên đường xưa khép lại, từ muôn năm rồi”.

Cũng nhờ có sự kiện này, tôi mới có thêm cơ hội tìm hiểu sâu hơn về xuất thân và gia đình của ca sĩ Thu Phương. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe tới ca sĩ Quang Minh, là anh trai của nữ ca sĩ cũng là một giọng ca vô cùng đẹp mà tôi đã còn quá trẻ để biết tới. Và cũng là lần đầu tiên được nghe một bản song ca mượt mà đến từ hai nghệ sĩ lớn với bài hát “Không còn mùa thu”, một bài hát mà tôi cũng vô cùng ưa thích:

Không Còn Mùa Thu – Thu Phương & Quang Minh

Về “Theo dấu vàng son”, thực chất đây không hẳn là một chương trình quá hoa mỹ và chất lượng hình ảnh, phóng sự cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Chỉ là theo cảm nhận của tôi, có thể Thu Phương đã làm chương trình này một cách hết sức cảm tính, để thực hiện được những mong muốn của mình để tưởng nhớ về một người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử mà mình đã vô cùng ngưỡng mộ, yêu thương và tôn kính. Và chỉ khi con người ta lớn lên, đi đến nhiều vùng miền và trải qua những biến cố trong cuộc đời, những người có những hoàn cảnh đặc biệt sẽ tìm ra những mối đồng cảm và biết xót thương cho người và cho ta.

Những hình ảnh tưởng nhớ tới Nam Phương Hoàng Hậu và những dòng thư trong lời kêu gọi phụ nữ thế giới của cựu hoàng hậu: “Thay mặt cho mười ba triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả những thân hữu của tôi, bạn bè của nước Việt Nam, hãy bênh vực cho tự do”.

Khi làm chương trình này, Thu Phương đã di chuyển tới nhiều địa điểm, vùng miền tại Việt Nam, bắt đầu từ đất cảng Hải Phòng – là quê hương của ca sĩ, cũng là nơi chị biết đến hoàng hậu Nam Phương tại Dinh Bảo Đại tại Hải Phòng. Thực ra đây là nơi mà cựu hoàng Bảo Đại cùng gia đình đã sử dụng để nghỉ ngơi mỗi khi có chuyến công du ra Bắc. Khi còn bé, ca sĩ Thu Phương kể lại rằng chị đã nghĩ là hoàng hậu Nam Phương chính là người Hải Phòng. Sau Hải Phòng, ca sĩ Thu Phương đi theo dấu chân của Nam Phương Hoàng Hậu tới Huế, Đà Lạt và cả một vùng quê nằm ở miền Nam nước Pháp, nơi mà hoàng hậu Nam Phương đã trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách quê người. Chỉ có Thu Phương, với linh tính, cảm tính của người phụ nữ mang trong mình nỗi nhớ của một người con xa quê mới hiểu rõ được động lực nào để chị đã bắt đầu và kết thúc hành trình ấy. Đối với quan sát của tôi thì đây là một cách tròn vẹn để tỏ sự kính trọng, biết ơn và ngưỡng mộ nhưng thêm nhiều phần xót xa cho cuộc đời một trong những người phụ nữ đẹp, quyền lực nhưng có số phận bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thu Phương đã xuất hiện rất lộng lẫy trong những trang phục dạ hội đến từ một nhà thiết kế rất danh tiếng, tuy vậy, khi trải lòng mình về một ca khúc về Hoàng Hậu Nam Phương, ca sĩ đã chọn cho mình một bộ áo dài năm thân tối màu được thiết kế bởi Ỷ Vân Hiên. Vẫn trên sân khấu của phòng trà Đồng Dao, có một Thu Phương khiêm nhường hơn, dung dị và đoan trang, một hình ảnh có phần trái ngược với hình ảnh Thu Phương cá tính mạnh mẽ thường thấy.

Nhóm “người Việt trẻ” chúng tôi trong trang phục truyền thống của Ỷ Vân Hiên cũng đã kịp chụp lại một tấm hình kỉ niệm cùng ca sĩ Thu Phương trong sự kiện này.

Vậy là sau nhiều năm, theo cách chị nói khi so sánh cuộc đời mình như dòng sông đã trải qua quá nhiều mùa lũ, sau khi mà đi về đâu cũng là thế, khi mà thiên đường đã khép nguồn cơn, Thu Phương quay trở lại, như chưa bao giờ.

Nguồn ảnh bìa – Poster “Theo Dấu Vàng Son” lấy từ website chính thức của ca sĩ Thu Phương http://casithuphuong.com/

One thought on “Theo dấu vàng son

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s