Ru đời đi nhé!

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”

Ảnh: Trà Sen Bách Diệp

Hình như việc viết lách hay bất kỳ công việc nào trong cuộc đời này, nếu muốn làm thì tốt nhất là nên làm ngay, làm một cách đều đặn để trở thành một thói quen. Có lẽ cái đó gọi là sự luyện tập. Bản thân tôi có thích viết lách đôi chút nhưng có lẽ vì kỉ luật chưa đủ nên thường có xu hướng trì hoãn, cũng vì như vậy mà đến khi các ý tưởng bị dồn nén quá nhiều, mặc dù muốn viết nhưng vẫn không biết phải bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu.

Ai mà nghĩ rằng sẽ có một ngày như ngày hôm nay: Một ngày sáng chủ nhật, tôi đang ngồi trong một căn phòng vô cùng xinh đẹp nhìn ngắm sông Sài Gòn trên một nền nhạc vô cùng dịu êm, trái ngược hẳn với cái nắng vàng rượm, chói chang ngoài kia đang phản chiếu lên cái bồn nước innox trên mái nhà của ngôi nhà kế bên. Bên kia sông là tòa nhà cao nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại cùng với hàng chục các tòa cao ốc khác vươn mình cùng nhau tranh tối tranh sáng.

Có người đã từng nói với tôi rằng, ai cũng biết là mình sẽ già đi, nhưng không vì thế mà không cảm thấy bất ngờ mỗi khi bản thân mình bước vào thời gian “chạm ngưỡng”. Cuối cùng thì tôi cũng chạm ngưỡng 30, đủ để cảm thấy được những biến đổi trong tâm trạng và suy nghĩ đã tích tụ trong suốt những năm tháng tuối hai mươi. Thành thực mà nói thì tôi vẫn luôn tự cảm ơn cuộc sống này vì đã được sinh ra trong một gia đình bình thường. Gia đình bình thường là khi tôi được sinh ra khỏe mạnh, có ba mẹ, có anh chị em, có ông bà, có cô, dì, chú, bác xung quanh. Là khi tôi vẫn hát những bài hát, đọc những câu chuyện cho trẻ em mà không hề phải đặt ra bất kì câu hỏi nào vì mọi nhân vật trong bài hát, trong từng câu chuyện tôi vẫn luôn bắt gặp trong đời sống hàng ngày, ví dụ như việc tôi có ba, tôi có mẹ, tôi có mái nhà, tôi có cô giáo, có bạn bè, có ông, có bà trong bài hát “tóc bà trắng màu trắng như mây”. Tôi đã lớn lên như vậy, cho đến khi tôi nhận ra, cái sự bình thường mà tôi đang có không dành đến cho tất cả mọi người, mà nhất là trong xã hội ngày hôm nay, ngay cả những gì tôi đang có, không phải để bản thân thấy tự mãn, nhưng cũng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Cũng chính vì lý do này nên tôi đã rút ra cho mình những kinh nghiệm sống nhất định, đủ để mình không mang bản thân ra so sánh với bất kỳ ai, mà chỉ thầm cảm ơn tới tạo hóa, cảm ơn tới những nguồn sức mạnh vô hình mà tôi không được nhìn thấy đã luôn giang tay che chở, cảm ơn ba mẹ, những người thân, những người bạn, những người đã bước vào cuộc đời tôi và trở thành một phần trong cuộc sống này.

Và cả việc bản thân mình là người Việt Nam cũng thật thú vị nữa. Có nhiều người nói rằng người Việt Nam có tâm lý “sính ngoại” trong tiêu dùng và ngay cả việc tiếp cận văn minh, ví dụ như việc cho rằng văn minh phương Tây – hoặc một nền văn minh lớn hơn, như các nước châu Á được coi là “mạnh” hơn thì có thể coi là ưu việt hơn. Thực ra thì nghĩ vậy cũng chẳng đúng mà cũng chẳng sai, vì suy cho cùng, mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Mà tâm lý này, tâm lý kia, chẳng phải là do sự dồn nén, tích tụ của cả một quá trình phát triển của nhiều ý thức hệ hay sao? Chắc hẳn rồi ai cũng vậy thôi, đã lớn lên qua việc lĩnh hội những dòng tư tưởng lớn, nếu không phải là việc lĩnh hội những lời răn của Đức Chúa Trời, của thánh Allah, hay của Đức Phật, hoặc chí ít là việc góp nhặt những câu nói nổi tiếng, nếu không phải là của Napoleon, Lev Tolstoy, thì cũng là những đúc kết tinh hoa từ Khổng Tử, Mạnh Tử và Lão Tử. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, hình như lý do chiến tranh, và việc cả xã hội tập trung vào “Đổi Mới”, vào nền công nghiệp hóa đã vô tình bỏ quên cái gốc của người Việt Nam, bỏ qua những góc nhìn thuần Việt của các học giả Việt Nam. Tôi sẽ không trách bản thân mình vì sự sinh sau đẻ muộn của bản thân, nhưng hy vọng có thể học thêm được nhiều điều ngay cả trong những năm tháng về sau này. Cũng có thể các thầy cô cũng đã từng nhắc đến từ khi chúng tôi đi học, câu chuyện về các vị anh hùng dân tộc, về Nguyễn Trãi, vua Trần Nhân Tông, vua Đinh Tiên Hoàng, chủ tịch Hồ Chí Minh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhà thơ Nguyễn Khuyến nhiều lần, nhưng rồi ngay cả bản thân tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy của việc tạo ra các phát minh khoa học, kĩ thuật; lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh hay việc phát triển thương hiệu cá nhân theo xu hướng Tây hóa mà cũng vô tình quên mất rằng, hiểu được nguồn gốc, lịch sử của dân tộc cũng là một trong những thước đo quan trọng trong việc phát triển văn minh tiến bộ của loài người.

Thực ra tôi nghĩ rằng mình chẳng có biến cố gì quan trọng trong cuộc đời, ngoài chuyện cố gắng học hành, cố gắng tự lập và vượt qua những áp lực công việc và tất nhiên là cả những câu chuyện tình yêu khi buồn khi vui mà chắc chắn tôi không phải người duy nhất phải trải qua trong suốt cuộc đời này. Nói như thế thì nhạt nhẽo quá, nhưng suy cho cùng cuộc sống cũng chỉ là vậy thôi mà, chỉ cần xâu chuỗi những câu chuyện thường nhật, góp thêm những mảng kịch tính để viết lên thành những câu chuyện, những bộ phim về cuộc đời. Tất nhiên ngoại trừ việc bạn là một vĩ nhân, mà “Những bậc vĩ nhân phần nhiều là những kẻ ít sinh sản. Cây quý khó trồng” (Nguyễn Duy Cần). Và những câu chuyện về vĩ nhân thì vẫn thường được truyền tụng, từ đời này qua đời khác.

Xin được mượn lại một câu nói của Trịnh Công Sơn, nhân kỉ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ để tự chiêm nghiệm và phấn đấu cho những năm tháng về sau.

“Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người, thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.” – Trịnh Công Sơn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s