
Đợt gần đây, tôi có dịp quan sát thấy có một số bạn trẻ muốn theo đuổi ngành du lịch – khách sạn đã đặt một số câu hỏi trên các diễn đàn để tìm hiểu về ngành nghề trước khi quyết định đi học. Cụ thể là có một bạn đã hỏi một câu nguyên văn như sau: “Em muốn làm Sales khách sạn nhưng em không biết phải bắt đầu từ đâu?”
Tôi chưa biết cụ thể về nhu cầu, mục tiêu và nguyện vọng về nghề của bạn như thế nào, nhưng với vai trò của một người đi trước, tôi muốn nói với bạn rằng: “Chúc mừng em, ít nhất em cũng biết là em MUỐN gì, đây là yếu tố cần thiết để đi tiếp”. Giờ thì mình cùng tìm hiểu về việc cần phải làm gì tiếp theo nhé.

Vậy là cũng có một ngày mà tôi cũng đến thời điểm phải viết lại về các kiểu nội dung như thế này. Sau đây là những chia sẻ của bản thân sau hơn 10 năm đi làm, với hy vọng sẽ có ích cho các bạn muốn theo đuổi ngành khách sạn, và cụ thể là lĩnh vực Sales khách sạn mà bản thân tôi đã có cơ hội để học hỏi và phát triển.
Trước khi bắt đầu, tôi phải thú thật với các bạn rằng tôi được đánh giá là một trong những người chạm ngưỡng ‘thành công’ trong sự nghiệp từ khi còn khá trẻ (so với các thế hệ của các tiền bối) khi nắm giữ các vị trí giám đốc kinh doanh cho các khách sạn quốc tế khi chỉ 26 tuổi. Tuy vậy, tôi luôn tin rằng có khoảng 1,001 con đường và các yếu tố giúp bạn dẫn đến thành công, trong đó nỗ lực + may mắn của bản thân là hai yếu tố chính. Nỗ lực được hiểu là sự cố gắng, nhưng theo một cấp độ cao hơn, bạn cố gắng hơn so với bạn của ngày hôm qua và cố gắng hơn so với những người khác tại cùng thời điểm. Sự may mắn bao gồm tất cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Các nguyên nhân khách quan bắt đầu được tính đến từ khi bạn sinh ra, là nền tảng gia đình, là việc bạn được đầu tư vào giáo dục như thế nào. Nếu so sánh cách nhìn nhận khách quan về sự may mắn là những món quà của cuộc sống dành cho bạn, thì nguyên nhân chủ quan sự may mắn có thể do chính bạn tạo ra dựa trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn. May mắn lớn nhất của cuộc đời tôi có lẽ là việc được sinh ra trong một gia đình coi trọng về giáo dục, lễ nghĩa nhưng bản thân tôi, bằng cả sự hỗ trợ từ gia đình và sự cố gắng của bản thân để được tự do khám phá, học hỏi và phát triển. Thành thực mà nói, tôi không nghĩ rằng sẽ có giới hạn cho sự thành công, mà chỉ là bạn thực sự muốn gì trong cuộc đời này.
Tôi luôn tin rằng có khoảng 1,001 con đường và các yếu tố giúp bạn đi đến thành công, trong đó sự nỗ lực + may mắn sẽ tác động nhiều vào kết quả mà bạn đạt được.
Camellia Dinh
Ba mẹ tôi luôn cho tôi những gì tốt nhất có thể trong khả năng của họ. Họ cho tôi quyền lựa chọn về ngành về, trường lớp mà tôi muốn theo học. 17 tuổi, với những gì mà tôi biết được tại thời điểm đó, tôi chọn để được theo học tại Blue Mountains International Hotel Management School Australia, một trong những trường đào tạo về ngành quản trị khách sạn hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng đây là một may mắn, vì bản thân tôi còn không biết trường của mình thực sự là một trường có tiếng, cho đến khi tốt nghiệp, ra trường và trở về Việt Nam, được chứng kiến tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của ngành nghề, và sự xuất hiện của trường trong các buổi hội thảo du học về ngành quản trị – khách sạn – sự kiện trên khắp cả nước, tôi thở phào nhẹ nhõm, thầy rằng mình may mắn vì mặc dù không biết quá nhiều thứ tại thời điểm bắt đầu, nhưng có vẻ tôi đã ‘giúp’ ba mẹ tôi đầu tư vào đúng trường cho con gái họ và bản thân tôi đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá trong suốt chặng đường đã qua và cả trên những hành trình sắp tới.
Nỗ lực được hiểu là sự cố gắng, nhưng theo một cấp độ cao hơn, bạn cố gắng hơn so với bạn của ngày hôm qua và cố gắng hơn so với những người khác tại cùng thời điểm.
Camellia Dinh
Tại sao nên làm Sales khách sạn?
Lý do của nhiều người:
-Ngành này nhìn ai cũng sang trọng, ăn mặc đẹp, lương cao, nhìn ai cũng tự tin.
Lý do của tôi:
Hồi còn đang là sinh viên năm 2 đại học, tôi thực sự không biết mình muốn gì. Sau hơn một năm theo học và tìm hiểu về ngành gọi chung là ‘hospitality’, tôi đã dành phần lớn thời gian để tìm hiểu và trải nghiệm các kiến thức trong mảng ẩm thực và hỗ trợ tổ chức sự kiện. Tôi vẫn còn nhớ rằng bản thân mình đã tự tưởng tượng thấy hiện lên trưởng mặt đang là biển lớn, tôi không biết phải bơi đi đâu. Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà bản thân tôi không rõ mình đang thực sự muốn gì, nhưng hơn ai hết, tôi biết rõ điều tôi không muốn. Vào thời điểm đó, tôi đang giữ vị trí nhân viên phục vụ tại nhà hàng Promenade Cafe của khách sạn Hyatt Hotel Canberra – A Park Hyatt Hotel (hay được gọi tắt là “Park Hyatt Canberra”.) Tôi rất biết ơn việc mình được nhận vào làm công việc này không chỉ vì nó đã giúp tôi có thêm thu nhập trong thời gian còn là sinh viên, mà là vì tôi đã thực sự có một công việc mà bất kỳ sinh viên của một trường quản lý khách sạn nào cũng sẽ cần để xây dựng những bước đi đầu tiên khi mới vào ngành. Tôi biết rõ, mình không muốn là người làm công việc thuộc khối vận hành, tôi không muốn thấy hình ảnh bản thân làm quản lý nhà hàng hay trưởng bộ phận ẩm thực. Buổi tối hôm đó, tôi đi bộ trên đường từ Civic (Canberra ACT) từ chỗ làm thêm để trở về nhà, tôi vẫn nhớ có nhiều buổi chiều tối như vậy, tôi đi một mình ở trên đường và suy nghĩ về những gì mình sẽ làm sắp tới, và ngay trong khi vế tắc nhất do tôi sẽ sớm phải quyết định về việc mình sẽ đi đâu và làm gì cho kỳ thực tập thứ 2, có một phần nào đó trong tôi đã thôi thúc bản thân để tìm hiểu về chuyên môn “Sales & Marketing”.
Tôi đã làm thế nào để vào được phòng Sales của Park Hyatt Canberra?
Tôi bị ám ảnh với từ khóa “Sales & Marketing” vài ngày liên tiếp, và tôi đã lấy can đảm để đến gặp cô Janet Illingsworth, khi ấy cô đang phụ trách cho mảng Learning & Career Development của trường. Tôi có trình bày đề xuất là mình muốn có cơ hội làm việc trong phòng Sales & Marketing, cụ thể là cho khách sạn mà tôi đang làm việc tại Park Hyatt Canberra. Nói thật là lúc đi gặp cô tôi đã rất sợ, tôi không có nhiều trải nghiệm run sợ như vậy trong cuộc sống, nhưng có lẽ tôi đã sợ vì mình vẫn còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm và mình không biết phải bắt đầu từ đâu. Mặc dù không cố ý, tôi đã nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại và có một số hành động thực sự khó hiểu trong cuộc gặp gỡ với cô Illingsworth, đến mức cô phải lên tiếng: “Xin chào, mục đích của em đến đây có phải cần sự trợ giúp của tôi không? Nếu có thì em không nên nhìn vào điện thoại như thế!”. Tôi đã giật mình và xin lỗi cô một cách thành khẩn vì đã làm mất thời gian của cô và hơn nữa là có hành động thiếu tôn trọng trong một vài phút vừa qua. Sau khi nhận được lời xin lỗi của tôi, tôi biết là cô không để bụng, cô đã nói với tôi như thế này: “Em cần suy nghĩ kỹ về việc ứng tuyển vào vị trí Sales & Marketing intern tại Park Hyatt, vì đây sẽ là vị trí không trả lương. Thông thường các vị trí khác ở khối vận hành, sinh viên có thể nhận lương, nhưng với phòng Sales, cô e rằng sẽ có nhiều trở ngại, ngay cả việc có được nhận hay không cô cũng không dám chắc nữa, họ sẽ phải dành thời gian ra đào tạo cho em. Và thêm nữa là, cô có đọc hồ sơ của em, cô nghĩ rằng em cần phải xem lại về cách trình bày hồ sơ của mình, nên nhớ đây không phải vị trí phục vụ cho một nhà hàng”.
Nếu so sánh cách nhìn nhận khách quan về sự may mắn là những món quà của cuộc sống dành cho bạn, thì nguyên nhân chủ quan sự may mắn có thể do chính bạn tạo ra dựa trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn.
Camellia Dinh
Gặp cô Illingsworth xong, tôi càng cảm thấy chắc chắn hơn về quyết định của mình, bởi lẽ, nếu một vị trí mà đầu vào khó như thế, thì chắc chắn khi hoàn thành được công việc tôi sẽ ở một trình độ hoàn toàn khác rồi. Thông thường thời gian thực tập của chúng tôi kéo dài 6 tháng (tương đương với khoảng 600 giờ), nếu trong 600 giờ này tôi có thể có cơ hội học hỏi và đạt được một vị trí mà mình mong muốn về sau này thì tại sao không? Cứ coi như tôi sẽ được đi học và không phải trả học phí đi, và đây sẽ không phải là cơ hội mà ai cũng có thể đạt được.
Tôi trở về nhà và quyết định sẽ làm lại một bộ hồ sơ xin việc mang tính chất ‘cách mạng’. Tôi đã dành cả một buổi tối để lựa chọn và thiết kế lại CV của mình để nó bắt mắt nhất có thể và gửi lại cô Illingsworth. Một thời gian không lâu sau tôi có được gọi phỏng vấn và tôi được nhận vào vị trí Sales & Marketing intern. Nhưng điều may mắn là, khách sạn tôi đang làm họ biết tôi là sinh viên quốc tế và họ hiểu rằng nếu yêu cầu tôi làm từ thứ 2 đến thứ 6 mà không trả lương thì có thể tôi sẽ gặp khó khăn, cùng vì vậy nên họ đã tự đề xuất để tôi phân bổ một nửa thời gian để học tập và trải nghiệm tại phòng Sales, và một nửa thời gian còn lại là để làm phục vụ tại nhà hàng nơi tôi vẫn được trả lương.
Chuyện gì diễn ra sau đó?
Có vẻ tôi bắt đầu được chú ý hơn ở khách sạn, do mọi người bắt đầu thấy tôi ăn mặc khác đi và không thấy tôi mặc đồng phục nữa. Và khi được hỏi về công việc mà mình đang làm, tôi nói là “Tôi đang làm ở bộ phận Sales & Marketing”, và mọi người bắt đầu WOW và gửi lời chúc mừng, đến mức bản thân tôi cũng phải giật mình, có thật là nó WOW đến mức đấy?
Bởi vì nói thật, công việc hàng ngày của tôi là bắt đầu từ khoảng 8h sáng, tôi được khuyên là nên đến văn phòng sớm hơn và trở về muộn hơn một chút. Thực sự đây là một môi trường tôi chưa hề được trải qua, tất cả mọi người đều rất chuyên nghiệp và phần lớn họ đều là mắt xanh, tóc vàng hoặc ít nhất đến từ một quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Nhìn thấy cách mọi người trả lời qua điện thoại và viết email làm tôi cảm thấy không hiểu khi nào mình mới đạt đến khả năng đấy. Những ngày đầu tiên thực sự rất… buồn ngủ. Bởi lẽ nếu đã quen với vị trí vận hành, bạn sẽ di chuyển và có vẻ năng động hơn. Ở phòng Sales mọi người đều ngồi văn phòng, trước màn hình và đối mặt với rất nhiều kiểu giấy tờ và tài liệu. Nhưng rồi tôi cứ học dần và quen với vị trí này. Tôi thực sự cảm ơn vì ở đây tiêu chuẩn cho công việc thực sự rất cao. Mọi người cẩn thận đến từng câu chữ đánh trong văn bản hay mỗi khi một tin nhắn trong hộp thư thoại được gửi đi đều cần phải thực hiện theo tiêu chuẩn của tập đoàn.
Một trong những công việc mà tôi thích nhất là được hỗ trợ cho đội Meeting & Event Services. Họ nói là một trong những việc tôi có thể làm là học cách làm BEO (Banquet Event Order), nhưng tôi sẽ cần phải xuống phòng nhân sự và học tại máy ở đó, họ có cài sẵn phần mềm của Delphi và tôi sẽ học qua đó, và chỉ khi nào tôi nhận được chứng nhận của Delphi, tôi mới được phép làm BEO. Tôi đã mất một vài ngày và hoàn tất chương trình đào tạo và chính thức được làm những bản BEO đầu tiên để phục vụ cho các cuộc họp. Tiếp đó, tôi bắt đầu được thực hiện các công việc khác ví dụ như thay đổi ‘change log’ mỗi khi có một nội dung sự kiện thay đổi và tôi cảm thấy thực sự bất ngờ vì đôi khi có những người ở vị trí rất cao của tập đoàn bay thì nước này sang nước kia chỉ để đào tạo về những sự thay đổi nhỏ trong cách trình bày văn bản như cách xuống dòng hay đặt dấu chấm câu. Tôi không biết sự thật là như thế nào, nhưng phòng đào tạo thì luôn nói rằng, những gì mà chúng tôi được đào tạo là theo chương trình của Hyatt International, chứ không phải chỉ của Úc hay của quốc gia nào khác. Tôi đã nhớ những nội dung này tại thời điểm đến, và ngay cả thời gian về sau này và nhiều năm nữa khi về và làm việc tại Việt Nam, có những lúc tôi vẫn cảm thấy nhớ cảm giác được làm một công việc theo đúng tiêu chuẩn mà tôi đã theo học như vậy.
Rồi sao nữa?
Tôi bắt đầu thấy chán. Vì tôi luôn là đứa im lặng nhất trong phòng, để quan sát, và vì tôi không thực sự tự tin. Tôi không biết là việc mình quyết định vào phòng Sales & Marketing có đúng không nữa nhưng dù sao nó cũng là trải nghiệm, nhưng nếu thế thì tôi cũng nên trải nghiệm thêm cả những vị trí khác nữa, tôi đã nghĩ vậy nên đã lại lấy can đảm để liên hệ với phòng nhân sự, lần này tôi đã được nói chuyện với bác giám đốc nhân sự hồi đó là Mr Willam Warner, một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi đã nói rằng tôi muốn thử sức để làm việc ở bộ phận lễ tân hoặc nhân sự, liệu rằng có phương án nào cho tôi không? Bác đã nói với tôi rằng: “Thực ra tôi muốn gì cũng được, bác biết tôi có khả năng, dù là nhân sự hay lễ tân, như tôi nên suy nghĩ nếu điều này thực sự cần thiết, vì tôi đã bắt đầu sự nghiệp ở phòng Sales rồi, cái này không phải ai cũng làm được. Có một điều hết sức quan trọng mà tôi nên nhớ, đó là: Tất cả mọi người đều là người bán hàng, dù họ có muốn hay không. Ở vị trí của bác là giám đốc nhân sự, bác bán hàng bằng cách xây dựng hình ảnh khách sạn là một nhà tuyển dụng hàng đầu, để có thể giữ chân được nhân tài và thu hút những người mới đến với khách sạn. Còn đối với tôi, bác khuyên tôi nên ngồi yên tại vị trí của mình và cố gắng phát triển sự nghiệp của tôi ở phòng Sales, vì tôi có đủ tố chất để trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực đó”.
Khi này, tôi mới chỉ 18 tuổi hơn, tôi không hiểu thành tựu mà bác nói có thể là gì nữa, nhưng ít nhất, trong lần thực tập này, chỉ trong khoảng 3 tháng, tôi đã hoàn thành hơn 600 giờ thực hành, điều này đồng nghĩa với việc tôi có thể dừng lại để nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào mà tôi muốn. Tôi đã nghĩ đến việc đặt vé máy bay về nước để gây bất ngờ cho ba mẹ, và nghĩ là làm, tôi đã đặt vé, vì là sinh viên nên tôi đã đặt vé “Super Saver” để tiết kiệm tiền. Ngày hôm sau, tôi nhận được thông tin từ bác giám đốc phòng nhân sự là bác muốn gặp riêng tôi, tôi cũng nghĩ là cần phải gặp bác để nói về quyết định là sẽ kết thúc đợt thực tập của mình.
Sáng hôm đó, tôi đã giữ một tâm thế vô cùng thoải mái đến gặp bác, bác cũng có vẻ rất vui khi gặp tôi. Sau màn chào hỏi, bác vào thẳng vấn đề và nói với tôi rằng: “Sau buổi trao đổi với sếp trực tiếp của tôi là ông Staris Latkas, thời điểm đó là Director of Sales & Marketing tại Park Hyatt Canberra, chúng tôi rất vui mừng vì những gì mà bạn đã đạt được trong thời gian vừa qua, và hơn hết là, chúng tôi mong muốn được nhìn thấy bạn phát triển xa hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi quyết định sẽ nhận bạn vào làm nhân viên chính thức của phòng Sales & Marketing, và đây là vị trí có trả lương”.
Không hiểu tôi có tin được vào tai mình không nữa, nhưng tôi đã mất một chút thời gian để kiểm điểm bản thân về việc đã vội vàng đặt vé về nước. Tôi đã không thể lấy lại tiền vì loại vé đặt là vé không hoàn hủy, nhưng tôi đã coi nó là học phí thêm một lần nữa, mặc dù học phí hơi đắt, nhưng câu chuyện là như vậy đó, tôi đã trở thành Sales & Marketing Coordinator tại Hyatt Hotel Canberra – A Park Hyatt Hotel và sự nghiệp này theo tôi đến nhiều năm về sau. Ai mà biết được rằng, chỉ 6 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng lần lượt lên tới các vị trí Director of Sales rồi Director of Sales & Marketing của các khách sạn thuộc các tập đoàn lớn với đủ các kinh nghiệm về việc thay đổi thương hiệu, tiền khai trương và mở mới khách sạn tại các điểm đến mới?

Đến bây giờ, có nhiều người có thể nhắc đến tôi theo nhiều khía cạnh và nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng tôi cũng nghĩ là mình đã có những thành tựu nhất định, đủ để báo chí có tư liệu để viết về mình. Ví dụ như bài báo dưới đây của Vietcetara, mọi người có thể tham khảo để có thêm thông tin bằng cách click vào hình ảnh này:
“Em muốn làm Sales khách sạn mà không biết phải bắt đầu từ đâu?”
Nếu có bạn trẻ nào hỏi tôi là: “Em muốn làm Sales khách sạn mà không biết bắt đầu từ đâu”, thì tôi có thể chia sẻ từ trải nghiệm của bản thân như sau:
-Bạn cần học tập và rèn luyện từ khi ở trên ghế nhà trường để có những kĩ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông khi có thể. Đối với mảng kinh doanh nói chung, bạn rất cần khả năng giao tiếp tốt với tất cả các bên có liên quan bao gồm đối tác, khách hàng và đồng nghiệp.
-Bạn cần phải thành thạo ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu có ngoại ngữ khác sẽ là lợi thế.
-Nếu có tài lẻ gì thì nên phát huy và phát triển bản thân và giúp mình tự tin hơn.
-Nên đi du lịch, nên trải nghiệm ở nhiều địa điểm khác nhau để có sự giao thoa về kiến thức văn hóa, bạn sẽ chỉ giàu hơn khi có thêm những trải nghiệm này thôi.
-Nếu có cơ hội, hãy dành thời gian và đầu tư trải nghiệm ở các các mô hình khách sạn trong hệ thống và ngoài hệ thống mà bạn đang làm, điều này sẽ giúp bạn mở rộng hiểu biết về những gì đang diễn ra và biết được các thế mạnh và điểm yếu của khách sạn mình cũng như giúp nắm bắt thêm được các xu hướng ngành.
-Đầu tư xây dựng hình ảnh cá nhân, ngay từ lúc này, bạn cần phải có một hình ảnh chỉn chu và đôi khi có phần hơi cổ điển và ‘bảo thủ’ nếu muốn làm việc tại các khách sạn và tập đoàn hàng đầu thế giới. Nếu muốn bán sản phẩm khách sạn hạng sang hoặc xa xỉ, bản thân bạn nếu muốn được đại diện cho thương hiệu cần phải thể hiện đúng thần thái của thương hiệu và để có thể phục vụ đúng đối tượng khách của mình.
-Học hỏi từ những người đi trước, kết nối với các anh chị đưa trước mình và nhờ họ hướng dẫn.
-Bạn cần vững về kĩ năng văn phòng và là một người nhanh nhạy với phát triển công nghệ.
-Nên bổ sung các kiến thức cơ bản về kế toán và luật kinh doanh, vì bạn sẽ làm việc liên quan đến tiền bạc và số liệu, nắm vững được các kiến thức này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc của bạn.
-Nên thử sức ít nhất 1-2 năm đầu tiên ở các vị trí vận hành bao gồm lễ tân, ẩm thực hoặc buồng phòng để hiểu được quy mô và cách phân bổ các phòng ban của khách sạn. Với các bạn sinh viên mới ra trường, một trong những giải pháp lý tưởng là việc bạn có thể phấn đấu để tham gia vào một chương trình đào tạo quản lý (management trainee), thường cũng sẽ mất khoảng 12-18 tháng để có cơ hội trải nghiệm công việc ở tất cả các bộ phận trước khi chọn ra một lĩnh vực mà mình yêu thích nhất. Để có thể làm việc ở phòng kinh doanh, ngoài việc cần phải hiểu về sản phẩm, bạn cần phải hiểu được công việc của các đồng nghiệp của mình ở các phòng ban khác để biết được khả năng thực tế của khách sạn nơi mình làm và có một cái nhìn khách quan nhất trước khi đưa ra quyết định hoặc hứa hẹn với khách hàng. Sau khoảng thời gian lấy kinh nghiệm ở bộ phận vận hành, tùy vào khả năng, bạn có thể thử sức vào các vị trí Sales Coordinator, Sales Executive rồi phát triển lên dần.
Bộ phận Sales & Marketing cho một khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam có thể là một đội nhóm từ 10-25 người tùy thuộc vào quy mô của mỗi khách sạn, đứng đầu là Director of Sales & Marketing (Gọi tắt là ‘DOSM’). Sau khi đạt được vị trí DOSM, bạn có thể phát triển cao hơn nữa theo hướng là làm cho vùng để quản lý kinh doanh cho các nhóm khách sạn (National Sales, Regional Sales) hoặc nếu bạn muốn trở thành Phó Tổng Quản Lý (Executive Assistant Manager (Gọi tắt là ‘EAM’) và sau đó là Tổng Quản Lý (General Manager – gọi tắt là ‘GM’) cũng hoàn toàn khả thi. Mặc dù các trường hợp DOSM trở thành GM sẽ không nhiều như việc các trưởng bộ phận ở các khối vận hành như ẩm thực hay buồng phòng, nhưng nếu bạn đã là DOSM, chỉ cần bạn có khả năng và bạn muốn thì việc trở thành GM không phải là điều không thể. Tôi cũng đã chứng kiến một vài GM đi lên từ nền tảng Sales & Marketing, và họ cũng thành công không thua kém các đồng nghiệp đến từ các mảng khác.
Mảng kinh doanh và tiếp thị khách sạn là một mảng rất rộng và có rất nhiều kênh phân phối, nhưng có thể chia ra làm 2 mảng chính là bán phòng và bán sự kiện (tiệc, hội thảo). Ngoài ra, vì các khách sạn càng ngày càng đa dạng hơn về quy mô và các loại hình dịch vụ, rất nhiều các mảng dịch vụ đời sống ‘lifestyle’ cũng từ đó mà ra đời, phòng Sales & Marketing của các khách sạn cũng cần rất nhiều cải tiến trong cách tiếp cận để có thể đáp ứng và phục vụ được xu hướng mới của ngành. Với tiềm năng phát triển của ngành khách sạn tại Việt Nam hay trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tôi tin tưởng rằng các bạn trẻ sẽ không thiếu cơ hội để làm trong ngành này. Tuy nhiên, làm cho ai, làm như thế nào và làm gì? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Tôi tin rằng bạn nên được làm công việc mà bạn yêu thích, và sẽ là lý tưởng nếu thế mạnh của bạn có thể được sử dụng trong ngành nghề bạn theo đuổi. Một điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là, bạn sẽ luôn cần công thức nỗ lực + may mắn, bất kể mục đích của bạn là xây dựng một mối quan hệ bền chặt, một sự nghiệp vững chắc hay một cuộc sống thành công theo định nghĩa của riêng bạn. Chúc các bạn thành công.