
Về cơ bản thì có vẻ như bất kể cái gì, cứ “quá” một chút thì thường không tốt. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng bản thân mình là một người nhạy cảm quá mức, đến mức có những chuyện mà mọi người vẫn nghĩ là “không có ý gì đâu” cũng có thể dễ dàng làm tôi cảm thấy không được tôn trọng và có nhiều mối quan hệ vì thế mà nhạt nhòa.
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, sau một vài năm sống và làm việc như một người trưởng thành. Đây là khoảng thời gian đủ để bản thân tôi tự có những định hướng cho bản thân, về sự nghiệp và cuộc sống, và để hiểu rằng thời gian và sức khỏe – bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần và vô cùng quan trọng. Cũng vì lý do này, tôi đã quyết định rằng mình sẽ cố gắng để chỉ gặp gỡ những người mà mình muốn gặp, làm việc với những người mà mình muốn hợp tác cùng. Khi tôi chia sẻ điều này, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi quá nông cạn, vì chắc chắn trong đời tôi sẽ vẫn phải làm việc với những người mà mình không thích, vì họ quan trọng chẳng hạn. Nhưng tôi thì nghĩ rằng, nếu bản thân đã có khả năng tạo ra một hệ sinh thái xung quanh mà có quá nhiều người mà bạn nhận ra rằng họ phù hợp để bạn hợp tác hoặc để trở thành bạn, thì bỏ qua một số lượng những người không phù hợp chắc cũng không có vấn đề gì. Điều quan trọng nhất là, nếu bạn biết cái gì là quan trọng với mình thì điều những người khác nghĩ có thực sự quan trọng nữa không? Trước khi tôi phải loại bỏ ai đó ra khỏi cuộc sống của mình, tôi chỉ hỏi mình một câu: “Mình có thật sự cần người này trong cuộc đời không? Nếu không nói chuyện và không giữ liên hệ với người này thì mình có sao không?”, nếu câu trả lời là không thì tôi sẽ im lặng tiễn biệt người đó trong tâm trí của mình.
Có một số kiểu người mà dễ làm cho tôi chán: Kiểu người thực sự không biết xấu hổ – là kiểu chạy theo lợi ích, tôi hay gọi là “cuốn theo chiều gió”, vì cứ cái gì có lợi cho mình thì sẽ làm, không cần phải quan tâm đến những gì đã nói hay đã làm trước đó. Tôi cũng hiểu rằng trước khi đưa ra nhận định hay đánh giá về một ai đó cần phải xem xét trên nhiều quan điểm và yếu tố khác nhau để biết được tại sao họ làm như thế, hoàn cảnh nào đã đẩy họ đến các hành động và quyết định như thế. Nhưng dù có như thế nào, tôi cũng không thể cho bản thân mình tiêu hóa được sự giả tạo, kiểu hôm nay như thế này, mai như thế khác.
Có những người tạm gọi là bạn (vì đã từng học cùng lớp), chắc đến 10 năm không gặp, chỉ liên hệ khi mời cưới.
Có những người tưởng thân nhau đến chết vì tôi đã luôn dành những sự tôn trọng và hỗ trợ nhất định với họ trong cả công việc và cuộc sống. Ấy vậy mà khi nhận ra rằng người kia không mang đến cái lợi trước mắt cho mình sẽ không tiếc lời để làm tổn hại đến uy tín của những người đã từng giúp đỡ, nâng đỡ mình trước mặt những người khác.
Có những người bất chấp thủ đoạn – không ngại gây khó dễ cho người khác, không ngại nói dối hay đặt chuyện để đạt được mục đích của mình và sẵn sàng nuốt hết thể diện vào trong để ngọt nhạt với bạn khi họ có một mục tiêu mới và họ nghĩ bạn có thể giúp họ được ít nhiều.
Tôi tự thấy có một điểm yếu đó là thường bị nhiệt tình quá với những người mà mình thích và sẽ không có gì để làm với những người mà mình không thích. Cũng vì thế mà có những người nghĩ là tôi cần họ do tôi dành hơi nhiều thời gian quan tâm đến họ. Vì là người tự cho rằng nhạy cảm hơn bình thường nên tôi thấy mình hơi dễ bị ‘tổn thương’ khi nhận ra rằng tình cảm của mình không thực sự được trân trọng. Nhưng mà, nỗi buồn của tôi thường chỉ kéo dài trong một vài giây phút, vì thực ra thì ngoài gia đình của mình ra thì tôi không nghĩ mình sẽ thực sự cần ai đến mức nếu không có họ thì tôi sẽ không thể làm gì được. Cũng chính vì kiểu tính cách này nên có thể nhiều khi tôi cũng bỏ sót những người tốt xung quanh mình, nhưng tôi không thể giải thích được nguyên nhân mà tôi không thích những người đó, thường thì lý do tôi đưa ra cho các tình huống này là việc hai bên không bắt được sóng của nhau. Vậy nên tôi vẫn tự nói với bản thân kiểu người như mình thì không làm việc lớn được, nhưng nếu không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ cũng được vậy.
Vào một ngày mùa thu đẹp thời, tôi nhận được tin nhắn từ những người mà tôi sẽ không bao giờ trả lời lại:
“Chào em, em có khỏe không, anh ABC đây, lâu rồi không nói chuyện…”
“Em ơi, em “Like” cái Page này giúp chị nhé”.
Còn về bản thân tôi, nhiều khi tôi cũng muốn mình bớt nhạy cảm đi một chút và biết cách làm chủ cảm xúc được tốt hơn, vì đúng là có những lúc mình có thấy bị tổn thương nhất định và tôi cũng lo ngại rằng tính cách này sẽ cản trở tôi phát triển trong lương lai. Mặc dù vậy, với một người làm ngành dịch vụ, tôi nghĩ rằng tính cách nhạy cảm của mình sẽ giúp tôi đồng cảm với mọi người được dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là, tôi vẫn luôn được sống thật với mình và với những người mà tôi thực sự trân trọng.