Bây giờ, ở đây

Ngày hôm nay tôi muốn bắt đầu với chủ đề “Bây giờ, ở đây”. Mặc dù chủ đề thì có mặt ở hiện tại nhưng khi nhắc về “Bây giờ, ở đây” tôi lại hay liên tưởng về những năm tháng đầu tiên của tuổi 20. 20 tuổi, tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân ở bên Úc. Cùng lúc này, vẫn còn rất nhiều bạn ở tuổi của tôi tại Việt Nam vẫn còn đang là sinh viên năm 3 hoặc 4. Tôi bắt đầu đi làm khi 18 tuổi. Có thể nói là, sau 3 năm sinh sống ở nhiều vùng miền trên đất nước rộng lớn, có núi, có biển đảo, có thành phố, nền giáo dục Úc đã thành công trong việc biến tôi thành một “công dân quốc tế” hầu như chẳng còn biết sợ bất kể điều gì trên đời.

Tôi về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp để bắt đầu công việc chính thức đầu tiên với vai trò là một ‘người lớn’. Chẳng mấy mà 22 tuổi, có thể nói là tôi đã trưởng thành hơn chút xíu trong suy nghĩ. Về tình cảm thì cũng có một vài anh theo đuổi nhưng phần lớn là tôi thường từ chối. Rồi cuối cùng tôi cũng gặp được một người thích mình và mình cũng thích lại nhưng mối quan hệ kết thúc không lâu sau đó do có quá nhiều lý do. Tôi thì nghĩ bản thân đã không sẵn sàng cho mối quan hệ này mặc dù có thể hai người rất phù hợp với nhau nhưng biết nói gì nhỉ? Theo cái cách mà nhiều người vẫn nói, hai người có duyên hoặc có nợ để gặp nhau, nhưng có vẻ là duyên hay nợ đều không đủ để cùng nhau đi hết con đường.

Tôi không hay nói về các mối quan hệ cá nhân, cũng không có nhu cầu chia sẻ hay khóc lóc kể cả khi thất tình. Một trong những nguyên nhân có thể là do chính bởi khi thất tình thì tôi thường rất bận. Không hiểu sao cứ mỗi lần tôi có chuyện buồn trong chuyện tình cảm là một lần tôi thường được cân nhắc tăng lương, tăng chức hoặc có công việc mới. Nhiều lúc tôi tự thấy mình giống với Taylor Swift ở điểm này, mỗi lần chia tay bạn trai là cô ấy sẽ ra mắt một bài hit mới. Còn những ai nghe được chuyện của tôi thì nói là mong muốn tôi sẽ thất tình thật nhiều hơn nữa. Không biết vậy có quá đáng lắm không?

Nghe bản Audio Tại Đây

Nhưng dù nói gì thì nói, bất kỳ sự đổ vỡ nào cũng sẽ cần thời gian để hàn gắn, giống như mỗi vết thương sẽ cần thời gian để các tế bào có thể tái tạo. Không biết mọi người phải trải qua cảm giác buồn thì như thế nào, nhưng tôi thì thường có dấu hiệu là không còn bất kỳ hứng thú để ăn uống gì nữa. Còn thêm nữa là, hình như mấy đứa cung Bọ Cạp như tôi hay thù dai và nhớ lâu nên rất khó để mình có thể quên những gì được coi là quan trọng với mình. Có thể với nhiều người, họ chỉ nhìn thấy mình làm việc và vui vẻ, nhưng trong suốt thời gian đó, mình đã mất 5 năm của tuổi 20 chỉ để tìm thấy tiếng nói và làm chủ bản thân mình.

Ngày hôm qua, tôi đã có cơ hội gặp gỡ một số người bạn trong đó có Vi, để cùng trao đổi về chủ đề làm lãnh đạo trong thời đại số. Vi tự nhận mình là một người hoàn toàn không nhạy cảm và không quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Đối với Vi, công việc cũng chẳng cần phải để vui vẻ, chỉ nên là công việc và việc có áp lực và căng thẳng là hoàn toàn dễ hiểu, anh ấy chẳng cần phải thích nó và anh ấy cũng không có nhu cầu kết bạn với đồng nghiệp. Vi cũng nói rằng anh ấy thường giữ lại những suy nghĩ cho bản thân mình và rất ít khi chia sẻ cho người khác. Nói đến đây, cả nhóm chúng tôi đều thấy nghi ngại và nói với Vi rằng, chúng tôi sợ rằng anh ấy sẽ sớm bị ‘burnt-out’ – tạm dịch là trạng thái kiệt sức về cảm xúc, thể chất và tinh thần do căng thẳng quá mức kéo dài. Do mục đích của buổi trò chuyện này là để chúng tôi cùng tìm ra các giải pháp để giúp các thành viên còn lại vượt qua những giới hạn của bản thân mình, chúng tôi đã cố thử đưa ra các thời khuyên trong đó có việc khuyên Vi nên học cách chia sẻ với người khác để giảm bớt áp lực tinh thần trước khi có những gì không hay xảy đến với anh ấy.

Vi đã trả lời chúng tôi, rất mạnh mẽ là tự tin như cách anh ấy vẫn thể hiện: “Tôi chẳng bao giờ sợ rằng mình sẽ bị kiệt sức, tôi nghĩ có thể tôi sẽ chẳng bao giờ sợ và cũng không phải trải qua nó”. Vì sao ư? Vi giải thích rằng anh ấy đã tìm đến thiền thông qua một người thầy ở Thái Lan từ 10 năm về trước và thiền tập là một phần không tách rời trong cuộc sống của anh ấy. Mỗi ngày Vi dành ra 10 phút để thiền như một cách để rèn luyện tâm trí và giữ cho sức khỏe tinh thần khỏe mạnh.

Tất cả chúng tôi đều đã rất bất ngờ khi biết được chia sẻ này, bởi ngay cả bản thân mình, mặc dù tôi đã tình cờ tiếp cận với thiền và Đạo Bụt được khoảng hơn 10 năm nay. Thành thực mà nói thì tôi cũng dành bằng đó thời gian nghiên cứu thêm cả về Thiên Chúa Giáo nữa do có người thân và bạn bè theo đạo rất nhiều. Tôi chỉ muốn nói rằng, mặc dù là một người sinh ra trong một môi trường hết sức trung lập và không có quá nhiều giáo điều, tôi chỉ được biết đến một thứ tôn giáo học được từ gia đình của mình, đó là việc bố tôi đã nói rằng nếu là người thì cần phải có tình yêu thương. Cũng chính vì lý do này, tôi cũng thấy mình may mắn vì luôn được che chở và bao bọc bởi những người bạn đến từ mọi miền, mọi sắc tộc, tôn giáo và văn hóa.

Trong một lần đi gặp gỡ cùng một nhóm bạn, chúng tôi đã cùng phải đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi về khoảng thời gian khủng khiếp nhất đã xảy đến với mình mà chúng tôi không bao giờ muốn phải trải nghiệm nó thêm một lần nào trong đời nữa. Có một người bạn nói rằng, khi học lớp 6, cậu ấy đã muốn nhảy cầu tự tử về những căng thẳng xảy đến với mình. Rồi bất chợt, cậu thấy có một người phụ nữ đi qua và mỉm cười với cậu ấy. Trong chốc lát, cậu ấy không còn cảm thấy mình muốn kết thúc cuộc đời nữa, và ngay cả lúc bế tắc nhất, hình như vẫn có người có thể cười với mình. Cậu ấy chưa bao giờ biết đến người phụ nữ đó là ai, nhưng đã nghĩ rằng, cô ấy là một thiên thần xuất hiện để cứu rỗi cuộc đời cậu ấy.

Khi nghe xong những câu chuyện này, tôi thấy đúng là cuộc đời của mình còn quá nhẹ nhàng so với những gì rất nhiều người phải trải qua. Nhưng dù có nói gì đi nữa, nỗi buồn và sự sợ hãi của mỗi con người thật khó có thể đem ra để so sánh. Nhưng qua câu chuyện của người bạn tôi khi bắt gặp nụ cười của một thiên thần, tôi lại thấy mình được cứu rỗi ngay cả khi mình đang đi lang thang, vô định. Giữa những năm tháng chênh vênh của tuổi hai mươi, tôi vẫn giữ cho mình thói quen để đi bộ và dành thời gian quan sát, suy nghĩ về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tôi tự cho rằng việc mình đi bộ cũng được coi là một cách thiền tập. Hình như tôi đã đúng. Trong một lần đi dạo đến nhà sách, tôi bắt gặp tựa đề một cuốn sách có tên là “Thiền tập dành cho người bận rộn” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi đã nghe về thiền sư rất nhiều qua những câu nói nổi tiếng nhưng chưa bao giờ cầm trong tay cuốn sách của thầy. Kể từ lúc này, tôi thấy bản thân mình dành nhiều sự quan tâm hơn cho các chủ đề về thiền tập, đạo Bụt, học cách kiểm soát hơi thở, quan tâm hơn đến cơ thể và suy nghĩ của bản thân.

Tôi sống xa ba mẹ từ nhỏ nên mặc dù gia đình tôi vẫn luôn là một gia đình gắn kết, mọi người đều yêu thương nhau nhưng bản thân tôi thì vẫn luôn cảm thấy có một rào cản làm mình cảm thấy rất khó để có thể chia sẻ cùng người khác. Cuốn sách này cũng là khởi nguồn cho những duyên lành xảy đến với tôi và những người thân, khi có cơ hội được cùng thực hành để tu tập.

Và phần dưới đây là đoạn trích có tựa đề “Thiền đi” trong cuốn “Thiền tập dành cho người bận rộn” mà tôi muốn cùng đọc và chia sẻ với mọi người:

Thiền đi

Thiền đi là một phép tu mầu nhiệm giúp cho ta có mặt từng giây phút trong giờ phút hiện tại. Mỗi bước chân có ý thức giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt. Bạn có thể phối hợp hơi thở và bước chân và đi một cách bình thường dù là trên hè phố, trước sân ga hay bên bờ sông. Thở vào bạn có thể bước hai bước, và quán chiếu đã về, đã tới. Đã về tức là đã về với sự sống trong giây phút hiện tại, đã tới tức là gặp sự sống rồi, không cần vội vã, bôn ba, tìm kiếm gì nữa. Quê hương của mình là sự sống nằm trong giây phút hiện tại. Chỉ giây phút hiện tại mới có thật, trong khi đó quá khứ và tương lai chỉ là những bóng ma. Những bóng ma này có thể tác dụng đưa tới tiếc nuối, khổ đau, lo lắng, và sợ hãi. Nếu mỗi bước chân của bạn đưa bạn về được với hiện tại thì những bóng ma này không còn có quyền hành gì trên bạn nữa cả.

Thở ra, bạn bước ba bước và nói thầm ta đã về, ta đã tới. Hoặc con đã về, con đã tới. Con đã về tới quê hương đích thực của con là sự sống mầu nhiệm đang có mặt, con không còn lang thang đi tìm kiếm gì nữa. Đi như vậy tức là đã dừng lại. Dừng lại, đó là thiền chỉ, samatha. Ta dừng lại được thì tổ tiên, ông bà và cha mẹ trong ta cũng dừng lại được. Ta bước được một bước thảnh thơi thì tất cả tổ tiên có mặt trong từng tế bào cơ thể ta đều cũng bước được một bước thảnh thơi như ta. Bạn là người có hiếu nhất trên trần gian nếu bạn dừng lại được và bước được những bước thảnh thơi như thế cho tổ tiên và cho cha mẹ.

Đã về
Đã tới
Bây giờ
Ở đây
Vững chãi
Thảnh thơi
Quay về
Nương tựa.

Tôi hy vọng những chia sẻ trên đây của tôi đã mang đến cho các bạn những giây phút bình yên tại thời điểm hiện tại. Chúc cho mọi người luôn tìm được sự an trú trong tâm hồn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s